Làm hồ cá thủy sinh bằng thùng xốp Độc Đáo mà lại Tiết Kiệm

Rất nhiều người chơi đam mê thủy sinh nhưng lại không có tài chính để mua những bể thủy sinh cao cấp, xịn sò. Hay đơn giản là không thích sự nhàm chán mà các bể này mang lại, họ muốn có sự độc đáo, mới lại hơn thì hồ cá thủy sinh bằng thùng xốp là một ý tưởng hay bạn nên thử làm.

Ưu nhược điểm của hồ cá thủy sinh bằng thùng xốp

Ưu điểm của hồ thủy sinh bằng xốp

Nuôi cá bằng thùng xốp giúp bạn tiết kiệm nhiều chi phí hơn so với việc nuôi bằng hồ xi măng, bể kính,… Thiết kế hồ cá Koi bằng thùng xốp cũng không quá khó mà vẫn rất thẩm mỹ. Đây là loại bể vô cùng đặc biệt, phù hợp với đa số người chơi thủy sinh. Cùng Wiki tìm hiểu thêm về loại bể vô cùng đặc biệt này nhé

Ưu điểm khi làm hồ thủy sinh thùng xốp
Ưu điểm khi làm hồ thủy sinh thùng xốp
  • Kinh phí thấp: Đặc điểm nổi bật nhất của loại bể này là vô cùng rẻ, hoàn toàn dễ kiếm. Chỉ với vài chiếc thùng xốp thừa là bạn có thể tạo ra một ngôi nhà mới cho những chú cá cảnh của mình. Đương nhiên, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với việc thi công, xây dựng, lắp đặt, xử lý như các loại hồ bằng xi măng hay hồ gắn kính.
  • Tự chủ: Bạn có thể hoàn toàn tự làm hồ bằng thùng xốp mà không tốn quá nhiều thời gian, công sức hay vật liệu. Cũng không phải thuê các đơn vị xây dựng thiết kế rất mất công và thời gian.
  • Hỗ trợ sinh sản tốt hơn: Nuôi bằng thùng xốp có một ưu điểm là nhiệt độ trong thùng xốp cao hơn so với các loại hồ cá khác. Điều này kích thích cá Koi dễ sinh sản hơn. Vì vậy, những người chơi cá đang muốn nuôi cá cái và muốn kích thích chúng đẻ thì hãy thử nuôi cá trong thùng xốp.
  • Dễ dàng setup: Việc setup hồ cá bằng thùng xốp không đòi hỏi các tiểu cảnh, cây thủy sinh quá cầu kì
  • Dễ dàng vận chuyển: Do làm từ chất liệu xốp nên hồ cá này sẽ tương đối nhẹ, dễ di chuyển khi cần thiết. Bạn cũng dễ xử lý hơn khi hồ cá xảy ra các vấn đề như cá bị bệnh, tắm thuốc cho cá,… Cá sẽ được chuyển một cách nhanh chóng mà không tốn nhiều công sức.
  • Dễ dàng tháo dỡ: Vào một ngày đẹp trời, à không xấu trời bạn không có nhu cầu nuôi cá nữa, bạn chỉ cần dời các thùng xốp là đi là được. Trái lại nếu sử dụng hồ xi măng hay bể cá lắp chắc chắn thì việc dọn dẹp sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Nhược điểm của hồ bằng xốp

Có ưu thì cũng sẽ có nhược điểm, trước khi dùng thùng xốp để chơi cá cảnh thủy sinh bạn nên cân nhắc các nhược điểm dưới đây:

  • Không gian hep, hạn chế tầm nhìn: Những chiếc thùng xốp thường tương đối nhỏ nên bạn sẽ bị hạn chế trong việc nuôi cá to hoặc nuôi với số lượng lớn. Bạn vẫn có thể sử dụng cách ghép các thùng lại với nhau nhưng vẫn không thể đáp ứng bằng xây hồ xi măng hoặc bể cá lớn.
  • Cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ: Bạn phải xem xét nhiệt độ trong thùng, nhiệt độ nước sao cho phù hợp để cá có thể sống khỏe mạnh. Không nên áp dụng nhiệt độ nước ở hồ cá xi măng, bể cá kính vào thùng xốp, như vậy nhiệt độ sẽ bị cao hơn mức cần thiết.
  • Tính thẩm mỹ: Có rất nhiều cách để bạn có thể trang trí, biến tấu thùng xốp cho đẹp và sinh động hơn. Tuy nhiên, chắc chắn thùng xốp vẫn không thể nào đẹp như bể kính hay hồ xi măng. Bởi lẽ đây chỉ là một giải pháp tạm thời hoặc giải pháp cho những ai không có điều kiện mà thôi.
  • Độ bền: Nhiều người thắc mắc hồ cá bằng thùng xốp có bền không? thì câu trả lời là KHÔNG. Nói về lâu về dài thì thùng xốp khó mà bền được so với các loại bể cá cảnh đắt tiền khác, tuy nhiên nếu bạn mới tập chơi thì đây là loại bể phù hợp.

Tự làm bể cá bằng thùng xốp có khó không?

Khó hay không nó phụ thuộc vào độ khéo tay của bạn, về cơ bản làm bể thủy sinh bằng xốp không quá phức tạp và quá cầu kỳ, vật liệu vô cùng dễ kiếm và rẻ tiền.

Thùng xốp khá nhẹ và dễ cắt ghép nên không đòi hỏi các dụng cụ quá chuyên nghiệp

Hồ cá không cần bộ xử lý lọc thải hiện đại mà hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thủy sinh trong bể xốp, chính vì vậy không quá khó để thiết kế và lắp đặt.

Cách làm bể cá cảnh bằng thùng xốp vô cùng đơn giản

Chuẩn bị vật liệu làm bể cá cảnh bằng thùng xốp

Để có thể làm được một hồ cá thủy sinh bằng thùng xốp bạn cần chuẩn bị giúp Wiki một số nguyên vật liệu, dụng cụ sau đây:

  • 1 thùng xốp
  • 2 cục xỉ than
  • 5 kg đất nền
  • 2 kg sỏi nhỏ
  • 1 kg cát trắng
  • 1 số cây thủy sinh
  • 1 chai vi sinh
  • 1 chai khử clo cho nước máy

Cách thiết kế hồ cá thủy sinh bằng thùng xốp

Làm bể cá bằng thùng xốp có kính

XEM VIDEO HƯỚNG DẪN LÀM Ở DƯỚI NHÉ!

  • Bước 1: Tìm thùng xốp có kích thước phù hợp

Bạn có thể những thùng xốp to nhỏ theo kích thước mong muốn, dựa vào số lượng cá và kích cỡ cá định nuôi. Hãy chuẩn bị 1 – 4 thùng tùy ý.

  • Bước 2: Cách dán thùng xốp nuôi cá

Dán các thùng xốp lại bằng băng dính hoặc keo cho chắc chắn. Sau đó cắt phần cạnh của 2 thùng xốp một hình chữ nhật đủ to để cá có thể bơi qua lại. Nếu chỉ sử dụng 1 thùng thì bạn có thể bỏ qua bước này.

  • Bước 3: Ghép mặt kính

Để hồ cá được bắt mắt và tăng tính thẩm mỹ, dễ nhìn hơn sau này thì hãy chuẩn bị một miếng kính hình chữ nhật có diện tích nhỏ hơn cạnh của 1 thùng. Đo kích thước miếng kính và vẽ hình chữ nhật bên trong mặt cạnh bằng với kích thước đó. Làm tương tự với các mặt còn lại.

Sau đó ghép miếng kính vào và đảm bảo nó được giữ chắc bởi xốp. Dùng keo cố định miếng kính với thùng xốp để không có những lỗ hổng, làm nước rò rỉ ra ngoài.

Để cho chắc chắn, bạn có thể dán thêm băng dính điện bên ngoài xung quanh viền kính ở mặt trong và ngoài của thùng xốp.

  • Bước 4: Tráng xi măng

Dán băng dính lên mặt kính phía bên trong để xi măng không dính vào. Quét xi măng bằng một chiếc chổi quét sơn để tránh thùng xốp tráng xi măng bị nứt nên quét một lượt trong thùng, đảm bảo các mặt trong của thùng đều được tráng xi măng đều. Điều này sẽ chống thấm nước ra ngoài và giúp cá cô môi trường sống tương tự như hồ xi măng.

Sau đó dùng xẻng nhỏ, trát thêm một lớp xi măng dày hơn. Đợi cho xi măng khô cứng lại, bóc băng dính ở kính ra và vệ sinh lại cho sạch sẽ.

  • Bước 5: Trang trí

Bạn có thể sử dụng sơn màu sắc để quét lên hoặc vẽ, trang trí thùng theo ý thích. Sau đó bạn thả cá vào là xong.

Video hướng dẫn cách làm bể cá cảnh bằng thùng xốp cực đẹp (nguồn: No1 IDEAS)

Làm hồ cá thủy sinh bằng thùng xốp thông thường

  • Bước 1: Chuẩn bị thùng xốp

Trước tiên bạn cần chuẩn bị một thùng xốp loại to, sạch sẽ. Nếu thùng xốp chứa các loại chất bẩn sẵn hãy làm sạch và để ráo.

  • Bước 2: Cho đất nền vào thùng xốp
Cho đất nền vào thùng xốp
Cho đất nền vào thùng xốp

Ở bước này, bạn cho một lượng đất nền vừa đủ vào thùng xốp để có thể cắm cây thủy sinh. Lượng đất nền có độ dày từ 2 đến 3 cm tùy vào chiều cao của thùng xốp. Đất nền bạn có thể tự trộn hoặc mua ở các cửa hàng thủy sinh.

  • Bước 3: Cho xỉ than và sỏi nhỏ vào thùng xốp
Cho xỉ than và sỏi nhỏ vào thùng xốp
Cho xỉ than và sỏi nhỏ vào thùng xốp

Vì bể cá bằng thùng xốp chúng ta không sử dụng dụng cụ lọc nên xỉ than sẽ làm thay nhiệm vụ của bộ lọc, giúp nước trong bể cá cảnh luôn trong và sạch. Xỉ than với những lổ nhỏ xốp sẽ là nơi ở và phát triển của những vi sinh vật có lợi. Trước khi cho xỉ than vào thùng xốp làm bể cá, bạn cần đập nhỏ xỉ than ra. Xỉ than đập nhỏ có kích thước bằng hoặc lớn hơn một chút so với viên sỏi nhỏ.

  • Bước 4: Cho cát trắng lên trên cùng

Cát trắng là lớp trên cùng của phần nền bể, cát trắng giúp bể trông thẩm mỹ hơn khi che đi lớp xỉ than và sỏi phía dưới. Lớp cát trắng phía trên không nên quá dày, thường chỉ từ 0.5 đến 1 cm là vừa đủ. Ở bước này bạn thực hiện hoặc bỏ qua đều được.

  • Bước 5: Trang trí lũa hay đá

Sau khi xong bước 4, các bạn có thể thêm lũa hoặc đá để tăng thêm vẻ đẹp, hấp dẫn cho bể cá của mình.

Xem thêm: Làm tiểu cảnh bằng thùng xốp

  • Bước 6: Cho nước vào thùng xốp

Ở bước này bạn sẽ thực hiện cho nước vào thùng xốp. Khi cho nước vào lần đầu, bạn nên để nước đầy tràn ra ngoài, bụi bẩn khi thao tác ở những bước trên sẽ theo nước trôi ra. Sau khi đã trôi các bụi bẩn ra ngoài, các bạn múc bớt nước ra, tránh những loại cá hiếu động sẽ nhảy ra ngoài.

Bạn nên để một cái đĩa hoặc bịch nilon trong nền bể khi cho nước vào. Điều này giúp nước không làm đục và nền bể thùng xốp không bị xói mòn xuống phía dưới.

Bạn lưu ý nếu nước bạn là nước máy, bạn nên châm 1 ít dung dịch khử clo vào trong bể xốp. Lượng clo trong nước máy sẽ ảnh hưởng đến đàn cá và vi sinh trong bể của bạn. Dung dịch này sẽ giúp bạn khử bớt lượng clo có trong nước máy.

  • Bước 7: Trồng cây thủy sinh
Cắm cây thủy sinh vào thùng xốp
Cắm cây thủy sinh vào thùng xốp

Bạn thực hiện cắm cây thủy sinh vào bể cá, bạn nên lựa những cây thủy sinh dễ sống để trồng khi chưa có nhiều kinh nghiệm. Gợi ý cho bạn một số loại thủy sinh dễ trồng như là các loại bèo, rong đuôi chó, tiểu bảo tháp, cỏ ngưu mao chiên, thủy cúc, cỏ thìa, ngô công thảo…

Để dễ dàng trong việc cắm cây xuống nền, bạn nên chuẩn bị cho mình một cây nhíp. Khi cắm cây thủy sinh, bạn không nên cắm quá sâu hoặc nén quá chặt gốc. Chỉ cần cắm nhẹ xuống nền, cây giữ nguyên vị trí không bị bật gốc là được.

  • Bước 8: Châm vi sinh

Chai vi sinh bạn có thể mua ở các tiệm cá cảnh, châm vi sinh giúp bể bạn ngay lập tức có 1 lượng vi sinh có lợi. Vi sinh giúp cân bằng hệ sinh thái, phân hủy chất thải của cá và đảm bảo hồ bạn luôn luôn sạch trong. Bạn cho 1 lượng vi sinh vừa đủ vào bể cá cảnh làm bằng thùng xốp, theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

  • Bước 9: Thả cá

Các bạn lưu ý không nên thả cá ngay khi vừa làm xong hồ cá bằng thùng xốp. Hồ cá của bạn lúc này chưa có được sự ổn định, cũng như nước vẫn còn đục.

Đợi sau từ 2 đến 3 ngày hoặc lâu hơn, khi nước đã lắng xuống, độ pH đã dần ổn định, lượng clo trong nước không còn, là bạn có thể thả cá rồi.

Bạn nên nuôi những loại cá cảnh có sức sống cao, không cần oxy trong bể. Một số loại cá khỏe như: các dòng cá 7 màu (guppy), lia thia (betta), cá sặc cảnh, đuôi kiếm…

Mua cá về bạn cũng không nên lập tức thả cá vào thùng xốp, vì khi đó cá dễ bị sốc nhiệt, sốc nước. Hãy để bịch cá mua về trên mặt nước bể cá, đợi khoảng 30 phút rồi từ từ thả cá ra.

Làm hồ thủy sinh thùng xốp phá cách cực độc đáo (nguồn: No1 IDEAS)

Lưu ý khi làm bể cá bằng thùng xốp

Khi nuôi cá cảnh trong thùng xốp bạn nên lưu tâm một số điều vô cùng quan trọng như sau:

  • Hệ thống lọc và vi sinh: Bể cá thùng xốp thường chúng ta không dùng máy lọc, do đó hệ thống lọc tự nhiên dựa vào hệ thống vi sinh vật là vô cùng quan trọng. Để tạo được hệ thống lọc tự nhiên này, các bạn cần bổ sung men vi sinh cho bể cũng như đưa vào bể các vật liệu lọc như sứ lọc, đá nham thạch, các vật liệu lọc này sẽ cung cấp chỗ ở cho các vi sinh vật, còn các vi sinh vật sẽ làm nhiệm vụ phân hủy các chất hữu cơ trong nước, giúp nước trong bể cá của bạn luôn trong và sạch.
  • Chọn phân nền trồng cây thủy sinh: Các bạn có thể rải phân nền ra bể để trồng hoặc làm như wiki thủy sinh, đó là wiki sẽ cho cây thủy sinh và phân nền vào các chậu như thế này, như này sẽ giúp tiết kiệm phân nền, lại thay thế dễ dàng khi cây bị cằn do phân hết dinh dưỡng. Loại phân nền công nghiệp này không tan nên sẽ không làm đục nước, giá của cũng vào khoảng 30 – 40.000/ kg hoặc các bạn có thể lựa chọn giải pháp tiết kiệm hơn nữa là dùng đất vườn để trồng, tuy nhiên phía trên cốc cây các bạn cần rải 1 lớp sỏi hoặc đá nham thạch như mình để tránh bùn đất làm bẩn nước.
  • Chọn và trồng cây thủy sinh: Tốt nhất là nên trồng các loại cây thủy sinh lớn chậm 1 chút, tuy nhiên nếu không có điều kiện thì có thể trồng các dòng cây cắt cắm với giá rất rẻ như bể của mình, khi đó anh em nên trồng cây thưa 1 chút, vì dòng cắt cắm này lớn rất nhanh, nếu mình trồng cây dày quá bể sẽ bị thiếu sáng, các nhánh cây thiếu sáng lá sẽ bị thối rữa, gây bẩn bể. Trồng cây cắt cắm thì định kỳ 1-2 tuần cũng cần cắt tỉa một lần. Dòng cây cắt cắm sau khi bị cắt cũng sẽ giảm tốc độ phát triển 1 chút, sẽ giúp bể ổn định hơn. Như bể của mình trồng mấy loại cắt cắm phổ thông như thủy cúc, diệp tài hồng lá táo, diệp tài hồng lá hẹp, lan nước cây lên rất ổn định.
  • Nuôi cá và chăm sóc cá: Vì thùng xốp không set up máy lọc nên lưu ý anh em không nên thả cá quá nhiều, như mình chỉ thả khoảng 20 chú cá nhỏ cho thùng dài khoảng 40 cm, rộng 30 cm thôi. Khi cho cá ăn anh em cũng lưu ý không nên cho ăn quá nhiều, dễ gây bẩn bể. Nói chung cần giữ vệ sinh cho bể, nếu không bể bẩn cá sẽ rất dễ ốm bệnh và chết.
  • Thay nước: Để đảm bảo chất lượng nước thì định kỳ 1-2 tuần anh em nên thay nước 1 lần và châm thêm vi sinh. Mình hay dùng chiếc bơm tay hút nước này để vệ sinh, nói chung cũng rất đơn giản và tiện lợi. Khi thay nước lưu ý chỉ thay khoảng ½ bể rồi bổ sung nước mới, tránh việc cá bị sốc do đổi môi trường đột ngột.

Mua bể cá bằng thùng xốp ở đâu?

Nếu bạn không thể tự làm được một bể cá bằng thùng xốp hay đơn giản là bạn muốn mua sẵn một bể cá giá rẻ từ xốp thì bạn có thể tham khảo một số địa chỉ dưới đây

  • Loading….

Như vậy là Wiki Thủy Sinh vừa gửi đến bạn những ưu nhược điểm, cách làm và những lưu ý quan trọng khi làm hồ cá thủy sinh bằng thùng xốp. Hy vọng bài viết mang đến những thông tin hữu ích cho bạn đọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.